Ngày 2/4/2025, Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng ở mức 46% đối với một loạt mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Từ chỗ được coi là điểm đến ưa thích trong làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, DN Việt Nam giờ đây phải đối mặt với rủi ro bị đánh thuế cao, mất đơn hàng, thậm chí là tái cấu trúc chiến lược hoạt động. Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để thích nghi? Và liệu Việt Nam có cơ hội chuyển nguy thành cơ?
Với ba thập kỷ kinh nghiệm hợp tác với các tập đoàn toàn cầu, trong cuộc trò chuyện với VietnamFinance, ông Hoàng Nam Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT đã chia sẻ những góc nhìn về chiến lược quốc gia, vai trò của doanh nghiệp công nghệ và hành trình thương lượng đầy cam go phía trước.
Theo ông, các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump cho thấy điều gì? Đó có phải là một sự thay đổi căn bản trong cách Mỹ nhìn nhận về thương mại và sản xuất toàn cầu?
Ông Hoàng Nam Tiến: Trong phong trào “Make America Great Again” (MAGA), ông Trump không chỉ đưa ra một khẩu hiệu chính trị đơn thuần. Ông và những nhà lãnh đạo đại diện cho nhiều tập đoàn của Mỹ, đang muốn định hình lại cách nước Mỹ vận hành. Nước Mỹ vẫn là một siêu cường toàn cầu nhưng các nhà lãnh đạo hiện tại, đặc biệt là ông Trump đã nhận ra những điểm yếu bên trong lòng quốc gia này.
Sau Thế chiến II, Mỹ trở thành cường quốc kinh tế và quân sự số một thế giới. Nhưng nước Mỹ cũng bắt đầu rơi vào tình trạng ly tâm như nhiều đế quốc trước đây. Điều đáng lo ngại nhất là họ đang đánh mất năng lực cốt lõi của một nền kinh tế – đó là sản xuất. Chúng ta biết rằng, trong kinh tế thì có nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng cái lõi chính là năng lực sản xuất.
Nhiều năm qua, nước Mỹ chuyển hướng mạnh sang các lĩnh vực như tài chính, công nghệ và dịch vụ, trong khi phần lớn năng lực sản xuất đã “xuất khẩu” ra bên ngoài – trước là Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, sau đó là Trung Quốc. Ngày nay, nhiều nhà máy sản xuất đã dịch chuyển sang những quốc gia có chi phí rẻ hơn như Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan hay Bangladesh.
Nước Mỹ vẫn là quốc gia hàng đầu thế giới nhưng tỷ trọng về sản xuất đóng góp cho GDP nước Mỹ đã giảm sút rất nhiều. Đến hết năm 2024, ngành sản xuất chỉ đóng góp khoảng 10% vào GDP của Mỹ. Con số này đã giảm đáng kể so với giữa thế kỷ 20, khi nó chiếm khoảng 21 – 25% GDP. Sự suy giảm này phản ánh xu hướng chuyển dịch sang nền kinh tế dịch vụ và toàn cầu hóa chuỗi cung ứng. Và dường như sản xuất đã không còn ở nước Mỹ. Bởi vì ai cũng biết, sản xuất là cần nhân công, cần nhà xưởng, nguyên vật liệu, rất nhiều thứ. Tất cả những điều kiện này không còn là ưu thế của Mỹ nữa.
Vậy tại sao trước đây các nhà lãnh đạo của Mỹ không làm thế?. Tại Mỹ, chi phí sản xuất quá cao. GDP bình quân đầu người đã vượt 85.000 USD/năm, trong khi tại Việt Nam chỉ khoảng 5.000 USD. Sự chênh lệch quá lớn về chi phí lao động, giá đất, thuế và các dịch vụ khiến việc duy trì sản xuất tại Mỹ trở nên phi kinh tế. Vì thế, muốn đưa nhà máy về Mỹ cũng không được vì đơn giản là quá đắt đỏ. Một chiếc iPhone nếu sản xuất hoàn toàn tại Mỹ, chi phí có thể tăng gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, TT Trump có một góc nhìn khác. Tôi tin rằng ông Trump đã có một quyết định lịch sử, không đơn thuần muốn nước Mỹ vĩ đại về mặt hình ảnh hay quyền lực quân sự, mà muốn xây dựng lại nước Mỹ như một cường quốc sản xuất thực sự. trong tất cả các lĩnh vực cốt lõi của thế giới. Đó là lý do ông đưa ra hàng loạt chính sách mạnh tay về thuế quan và chuỗi cung ứng.
Vì sao ông Trump tin rằng nước Mỹ có thể phục hưng sản xuất, điều mà các đời Tổng thống trước đều xem là bất khả thi, thưa ông?
Ông Hoàng Nam Tiến: Thế giới đang thay đổi. Cái chúng ta luôn nhắc đến là lao động giá rẻ, dịch vụ giá rẻ đang thay đổi trên cả thế giới, bởi robot và AI.
Trước đây, máy móc tự động hóa chỉ có thể thay thế con người trong một số quy trình cố định với chi phí rất cao. Nhưng ngày nay, robot ứng dụng AI không chỉ linh hoạt, khéo léo hơn cả con người, mà còn rẻ hơn một cách đáng kinh ngạc.
Chính nhờ sự tiến bộ này, việc đưa các nhà máy quay trở lại Mỹ từng bị xem là phi thực tế nay đang trở nên khả thi. Tất nhiên, nhiều người vẫn đặt câu hỏi về mặt bằng, nhà xưởng, cơ sở vật chất và chi phí đất đai. Nhưng thực tế là, sau hơn nửa thế kỷ không chú trọng đến sản xuất, nước Mỹ hiện đang có rất nhiều khu công nghiệp và nhà máy bỏ hoang, đặc biệt ở các thành phố công nghiệp tôi từng đến như Detroit, Chicago,... – những nơi từng là biểu tượng sản xuất ô tô, máy bay và công nghệ cao của nước Mỹ. Những thành phố mà trước đây nghe tên đã thấy xúc động, nay lại trở nên hoang vắng, trống trải – như một tàn tích của kỷ nguyên công nghiệp Mỹ.
Một trong những điểm cốt lõi của triết lý MAGA mà ông Donald Trump theo đuổi là nước Mỹ phải làm chủ được sản xuất trong tất cả những lĩnh vực then chốt từ chip bán dẫn, công nghệ cao, máy bay, ô tô công nghệ cao đến các thiết bị máy cái (để làm ra các máy khác). Và để làm điều đó, ông Trump tin rằng cần phải xây dựng một hệ thống chính sách hỗ trợ toàn diện.
Ông cũng nhìn thấy rõ thực trạng đáng báo động, nước Mỹ với chỉ 380 triệu dân nhưng đang chiếm khoảng 25% mức tiêu dùng toàn cầu. Điều đó biến Mỹ thành “thuộc địa tiêu thụ” đúng nghĩa, một cường quốc không sản xuất nhưng lại nhập khẩu gần như mọi thứ phục vụ đời sống. Và ông Trump muốn lật ngược mô hình đó.
Muốn thay đổi điều này, chính phủ Mỹ cần sử dụng những công cụ mạnh mẽ nhất trong tay mình mà vũ khí số một chính là chính sách thuế. Bằng cách thiết lập các rào cản thuế quan và phi thuế quan, ông Trump tạo ra áp lực buộc doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, ông cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa khôi phục năng lực sản xuất trong nước – từ việc tiếp cận đất đai, lao động, cho đến hỗ trợ công nghệ, đặc biệt là tài chính.
Bề ngoài, nhiều người có thể thấy các hành động của Donald Trump là bất ngờ nhưng nếu quan sát kỹ chuỗi hành động xuyên suốt từ trước khi ông Trump lên làm tổng thống đến khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên, rồi bước vào chiến dịch tranh cử lần hai, chúng ta sẽ thấy một sự nhất quán rất rõ ràng. Ông không hành động ngẫu nhiên mà đi theo một tư duy rất cụ thể về tái cấu trúc nền kinh tế Mỹ.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong bối cảnh thuế quan như hiện nay?
Ông Hoàng Nam Tiến: Chúng ta cần nhìn một cách công bằng và toàn diện về vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong bối cảnh chính sách thuế quan toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng dưới ảnh hưởng từ chiến lược phục hồi sản xuất nội địa của Mỹ.
Hiện tại, Việt Nam đang xuất siêu sang Mỹ khoảng 110 tỷ USD trong năm 2024, và nếu không có những chính sách thuế mới từ phía Mỹ, con số này hoàn toàn có thể tăng thêm khoảng 15% trong năm 2025. Rõ ràng, xuất siêu mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Nhưng điều quan trọng là: xuất siêu đó đến từ đâu?
Phần lớn sự bứt phá trong cán cân thương mại của Việt Nam với Mỹ bắt đầu từ nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump (2016 – 2020). Đó là giai đoạn Mỹ bắt đầu thực thi những chính sách rõ rệt với Trung Quốc, khiến xuất hiện hai làn sóng được gọi là “China+1” và “Escape from China”.
Số liệu hiện nay cho thấy, trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ khoảng 123 tỷ USD, thì phần lớn đến từ các doanh nghiệp FDI, trong khi nhập khẩu chỉ ở mức 15 tỷ USD. Đáng nói, trong nhóm FDI đó, có rất nhiều tập đoàn đến từ Mỹ như Intel, Apple, Nike, v.v...
Trong 123 tỷ USD xuất khẩu sang Mỹ, thì các doanh nghiệp FDI chiếm đến hơn 88 tỷ (71%). Trong đó, Việt Nam đóng góp trên dưới 10% giá trị gia tăng. Vì vậy chính các doanh nghiệp FDI cũng có những lợi ích rất lớn để đồng hành cùng Chính phủ chúng ta trong việc đàm phán với Mỹ.
FDI đóng vai trò lớn đối với an sinh xã hội Việt Nam hiện nay. Họ tạo ra hàng triệu việc làm ổn định, đặc biệt là cho lực lượng lao động có trình độ đào tạo rất thấp – vốn là lực lượng chủ yếu trong cơ cấu dân số hiện nay.
Chúng ta cần hiểu rằng, các doanh nghiệp trong nước không thể nào một mình giải quyết hết lượng lao động trẻ này. Nếu không có FDI, hàng triệu thanh niên, phần lớn sống ở các thành phố và đô thị, sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp, và khi đó những rủi ro về xã hội là rất đáng lo ngại.
Cũng đừng ‘trách’ FDI chỉ làm những khâu đơn giản, tận dụng lao động giá rẻ. Bởi để đi vào được những công đoạn công nghệ cao, Việt Nam cần có một lực lượng lao động được đào tạo bài bản hơn nhiều – điều này không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Đây là bức tranh vĩ mô thực tế và đáng suy ngẫm.
FDI không chỉ mang lại tăng trưởng xuất khẩu hay GDP. Giá trị lớn nhất chính là giải quyết bài toán xã hội và ổn định vĩ mô. Trong bối cảnh hiện nay, khi thuế quan thay đổi liên tục và các chính sách thương mại của Mỹ đang siết chặt để tái định vị chuỗi cung ứng, việc giữ được FDI, đồng thời nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, là thách thức lớn mà Việt Nam cần phải nhìn nhận rõ ràng.
Trong bối cảnh hiện nay, ông đánh giá tác động lớn nhất đối với Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu và ngành công nghệ là gì?
Ông Hoàng Nam Tiến: Các chính sách thuế quan mới của Mỹ đang đặt ra những thách thức chưa từng có. Trước đây, thuế nhập khẩu trung bình của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam chỉ vào khoảng 3%. Giờ đây, mức thuế sàn mới là 10%, và cao hơn nhiều với một số mặt hàng có thể lên đến 46%. Dù mức sàn này áp dụng cho nhiều quốc gia, nhưng Việt Nam lại là nước đang “lơ lửng” trước nguy cơ bị áp thuế cao nhất, và việc đàm phán thành công phụ thuộc vào sự sáng suốt, linh hoạt và mềm dẻo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ.
Vấn đề là, nếu có bất kỳ kết quả không mong muốn nào trong đàm phán, hậu quả sẽ kéo dài không chỉ một năm, mà có thể nhiều năm, bởi mỗi vòng đàm phán thương mại với Mỹ có thể cách nhau 1 – 2 năm, và khi đó, các nhà đầu tư FDI có thể đã rút khỏi Việt Nam hoặc chuyển hướng đầu tư sang các nước khác.
Ngoài ra, ngay cả khi đàm phán thành công, vẫn tồn tại một rủi ro lớn là sự đảo chiều chính sách bất ngờ từ Donald Trump. Trong nhiệm kỳ trước, ông từng phớt lờ các cam kết đa phương, từ WTO đến các hiệp định thương mại tự do toàn cầu, để chuyển sang quan hệ song phương mang tính mặc cả. Điều đó đi ngược lại trật tự kinh tế thế giới, vốn dựa trên nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia.
Ở lĩnh vực xuất khẩu, Việt Nam được hỗ trợ rất lớn từ các tập đoàn FDI như Apple, Nike, Intel..., những doanh nghiệp không chỉ đầu tư mà còn đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong việc tư vấn, lobby, vận động hành lang, thuyết phục các cơ quan tại Mỹ – điều được coi là hợp pháp hoàn toàn tại Mỹ. Họ có lợi ích lớn tại Việt Nam và vì thế, cũng là một phần trong nỗ lực bảo vệ lợi ích chung.
Riêng trong lĩnh vực công nghệ, tác động có thể sẽ mang tính bước ngoặt. Dưới thời chính quyền Dân chủ trước đây, Mỹ đã cam kết coi Việt Nam là một trong những đối tác trọng yếu trong chiến lược phát triển chuỗi cung ứng chip và bán dẫn. Việt Nam đã có những bước đi cụ thể: đầu tư vào đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, ban hành chính sách trải thảm đỏ từ trung ương đến địa phương, thu hút các tập đoàn công nghệ cao của Mỹ vào lĩnh vực AI, bán dẫn, R&D...
Nhưng câu hỏi đặt ra là thời TT Donald Trump có tiếp tục coi Việt Nam là đối tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao hay không?
Bởi vì chip và bán dẫn không chỉ là một ngành công nghiệp. Nó kéo theo một hệ sinh thái toàn diện: từ nhà máy, trung tâm nghiên cứu đến nhân lực, dịch vụ kỹ thuật, chuỗi cung ứng phụ trợ. Nếu đánh mất vị thế, Việt Nam không chỉ mất một cơ hội, mà mất cả một chu kỳ phát triển công nghệ kéo dài hàng thập kỷ.
Tóm lại, tác động lớn nhất đối với Việt Nam không chỉ là con số thuế quan mà là mức độ bất định chính sách, điều khiến dòng vốn FDI bị lung lay, xuất khẩu bị đe dọa và ngành công nghệ đứng trước ngã rẽ. Chính lúc này, sự ổn định, cam kết cải cách, và chiến lược quốc gia về công nghệ sẽ là yếu tố then chốt để Việt Nam trụ vững trong cơn sóng ngầm của địa chính trị kinh tế toàn cầu.
Từ góc nhìn của một doanh nhân công nghệ nhiều kinh nghiệm hợp tác với thị trường quốc tế, ông kỳ vọng gì ở tiến trình đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới?
Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi không biết và không thể chắc chắn điều gì về kết quả của tiến trình đàm phán sắp tới. Nhưng với tư cách là một người Việt Nam, tôi luôn mong rằng đất nước mình – đặc biệt là các nhà lãnh đạo và đoàn đàm phán hiểu sâu sắc về lịch sử kinh tế thế giới, nhất là những bài học về sự trỗi dậy và suy tàn của các đế quốc, cũng như thế cờ địa chính trị - chính trị kinh tế toàn cầu.
Trong những năm qua, do đặc thù công việc, tôi đã có cơ hội trực tiếp đàm phán với khoảng 70/500 tập đoàn lớn nhất thế giới. Qua kinh nghiệm thực tiễn đó, tôi nhận ra rằng đàm phán toàn cầu là một nghệ thuật vô cùng phức tạp, đòi hỏi không chỉ sự hiểu biết sâu rộng, mà còn cả bản lĩnh, uy tín và năng lực ra quyết định rõ ràng.
Nếu ai đã đọc cuốn “The Art of the Deal” của Donald Trump sẽ nhận ra có một nguyên tắc mà ông Trump rất kiên định: chỉ đàm phán với người có quyền quyết định thực sự. Nếu ông ta nhận ra rằng người đối diện không có thẩm quyền ra quyết định cuối cùng, ông sẽ lập tức rút khỏi bàn đàm phán. Đây là điểm đặc biệt quan trọng mà đoàn đàm phán Việt Nam cần thấu hiểu để khi đối diện với Donald Trump, cần thể hiện rõ năng lực quyết định, vai trò đại diện của quốc gia.
Tôi tin tưởng Việt Nam hiện nay sở hữu những nhà đàm phán giỏi hàng đầu thế giới. Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới – không chỉ là thương mại thuần túy, mà là thế trận địa chính trị giữa các siêu cường, trong đó Việt Nam phải thể hiện bản lĩnh và tầm vóc quốc gia. Sự thành công của đàm phán không chỉ phụ thuộc vào các con số thuế quan, mà còn ở bản lĩnh chính trị, tầm nhìn chiến lược và sự thấu hiểu lẫn nhau giữa các bên. Tôi tin rằng nếu chúng ta kiên trì, sắc sảo và biết mình là ai thì chúng ta có cơ hội rất lớn để vượt qua thử thách này.
- Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn cầu, ông nhận thấy đâu là lợi thế riêng của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nếu biết tận dụng tốt xu thế tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu?
Ông Hoàng Nam Tiến: Chưa bao giờ, ít nhất là trong suốt hành trình hơn 30 năm làm nghề của tôi từ 1993 đến nay, tôi cảm nhận được một cơ hội lớn đến thế dành cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Trong kỷ nguyên số, với làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và chuyển đổi số lan rộng toàn cầu, các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là khu vực tư nhân, đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử.
Điều đặc biệt là, chưa từng có thời điểm nào mà Đảng và Chính phủ Việt Nam chính thức xác định doanh nghiệp tư nhân là lực lượng quan trọng nhất trong phát triển kinh tế quốc gia. Không chỉ có sự thừa nhận về mặt nguyên tắc, mà còn là những cam kết rất rõ ràng trong việc trao cho khu vực tư nhân những “bài toán lớn” mang tính chiến lược quốc gia, điều vốn trước đây chỉ giao cho doanh nghiệp nhà nước.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp công nghệ tư nhân có một lợi thế kép. Một mặt, họ có sự năng động, linh hoạt và tốc độ phát triển cao. Mặt khác, họ đang được tiếp cận trực tiếp với các chính sách ưu tiên chiến lược, đặc biệt là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Một minh chứng tiêu biểu là chủ trương xóa bỏ cấp huyện, tạo ra một mô hình quản trị hành chính tinh gọn ba cấp: Trung ương – tỉnh – xã. Điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có nền tảng chính quyền số mạnh mẽ, và đây chính là nơi các doanh nghiệp công nghệ tư nhân có thể bước vào, đóng vai trò kiến trúc sư, nhà phát triển và triển khai hạ tầng số quốc gia.
Không dừng lại ở đó, những cam kết về đầu tư vào các dự án quốc gia quy mô 60-70 tỷ USD cũng mở ra một thị trường công nghệ đầy tiềm năng, không chỉ cho những doanh nghiệp cung cấp giải pháp, mà còn cho các đơn vị đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) – điều kiện then chốt để tạo ra giá trị gia tăng thực sự.
Tôi đặc biệt kỳ vọng vào Nghị quyết 57 và mới đây là Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính Trị về phát triển kinh tế tư nhân, với hệ thống các chính sách và quy định pháp lý đi kèm từ Chính phủ và Quốc hội sẽ tạo hành lang thuận lợi để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đi vào cuộc sống, không còn nằm trên văn bản hay trong những hội thảo. Đây chính là nền tảng chính sách bảo đảm cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu – nơi mà việc tái cấu trúc đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết.
Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ, và các doanh nghiệp công nghệ chính là một phần quan trọng trong hành trình đó. Vấn đề còn lại là chúng ta có đủ bản lĩnh, niềm tin và sự đầu tư bài bản để nắm bắt được cơ hội này hay không.
Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam – đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ – cần chuẩn bị và ứng phó thế nào để thích nghi với rủi ro thuế quan?
Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi cho rằng đây là thời điểm hiếm có để Việt Nam đặt ra những chính sách đột phá, giúp các doanh nghiệp công nghệ không chỉ trụ vững trước biến động toàn cầu mà còn bứt phá mạnh mẽ trong chu kỳ dịch chuyển dòng vốn, đơn hàng và chuỗi cung ứng quốc tế.
Chính phủ đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ khi cam kết dành 3% GDP – và sắp tới có thể lên tới 5% – để đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nhưng để dòng vốn đầu tư thực sự được kích hoạt từ khu vực tư nhân, tôi cho rằng cần những chính sách ưu đãi thuế mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa.
Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp đầu tư ít nhất 3-5% doanh thu cho R&D, thì phần chi phí đó sẽ không bị tính thuế. Đây không chỉ là hỗ trợ ngắn hạn, mà là chiến lược dài hạn để khuyến khích các doanh nghiệp Việt dám đầu tư vào công nghệ lõi, sản phẩm sáng tạo, và các hệ sinh thái dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Tôi cũng kiến nghị có chính sách thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi đặc biệt cho những doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ví dụ, mức thuế có thể giảm ít nhất 50% so với mặt bằng chung cho các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghệ cao, khu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – điều mà nhiều quốc gia phát triển đã làm rất hiệu quả.
Chúng ta có một số chính sách tương tự ở khu công nghệ cao Hòa Lạc hay TP.HCM, nơi doanh nghiệp công nghệ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm đầu, sau đó áp dụng mức thuế 5% trong 4 năm kế tiếp và 10% trong suốt vòng đời dự án. Đây là khởi đầu tốt, nhưng cần mở rộng và đồng bộ chính sách thuế thu nhập cá nhân để thu hút và giữ chân nhân tài công nghệ cao.
Một vấn đề then chốt khác là hạ tầng an sinh tại các khu công nghệ cao hiện nay còn yếu, làm giảm sức hút với đội ngũ chuyên gia và kỹ sư giỏi. Tôi cho rằng nếu không có trường học, bệnh viện, nhà ở chất lượng cao ngay trong khu vực làm việc, thì rất khó để nhân sự cam kết gắn bó dài hạn. Thực tế cho thấy nhiều kỹ sư, chuyên gia, người làm việc ở khu công nghệ cao TP.HCM và khu công nghệ cao quốc gia Hòa Lạc phải mất 1,5 tiếng - 3 tiếng đi và về mỗi ngày – điều này về lâu dài sẽ triệt tiêu hiệu quả đổi mới sáng tạo.
Tóm lại, để ứng phó hiệu quả với rủi ro thuế quan và tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển toàn cầu, chúng ta cần chính sách “hai mũi giáp công”: vừa tạo ưu đãi thực chất cho doanh nghiệp công nghệ, vừa đầu tư bài bản vào hệ sinh thái sống và làm việc cho nhân tài. Khi đó, Việt Nam mới có thể trở thành một “điểm trũng thu hút dòng vốn chất lượng cao”, thay vì chỉ là nơi tận dụng chi phí rẻ.
FPT – một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam đang có hiện diện tại Mỹ – đã có những kế hoạch gì để ứng phó với kịch bản căng thẳng thương mại, đồng thời đón đầu cơ hội mới từ chính thị trường này, thưa ông?
Ông Hoàng Nam Tiến: FPT chúng tôi luôn chủ động, trước khi có những quyết định của Tổng thống Donald Trump thì lãnh đạo FPT đã đưa ra hàng loạt chính sách của tập đoàn ví dụ như cắt giảm 30% các chi phí không trực tiếp liên quan đến kinh doanh; tập trung bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động; triển khai ứng dụng ngay lập tức và mạnh mẽ hơn nữa về trí tuệ nhân tạo, làm tăng năng suất, cắt giảm chi phí, tạo lợi thế cạnh tranh,...
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Hải Lâm -
09/05/2025
Xin mời bấm link để đọc các bài viết trong chùm bài
(VNF) - Đường cao tốc Vũng Áng – Bùng là một đoạn đường cao tốc thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông và đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây qua địa phận 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
(VNF) - Á hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Trần Huyền My đang dần khẳng định mình trong vai trò nữ doanh nhân trẻ tài năng. Trong các lĩnh vực mới, cô đều cho thấy sự lao động nghiêm túc và đầy tâm huyết.
(VNF) - Hoa hậu Ngọc Hân được biết đến với vẻ đẹp trí tuệ sắc sảo. Bên cạnh sự nghiệp nghệ thuật, Ngọc Hân ngày càng khẳng định được mình trong vai trò doanh nhân và nhà đầu tư. Đến nay, Ngọc Hân đã xây dựng được một hệ thống kinh doanh đa dạng, từ thời trang, nghệ thuật, đến đầu tư tài chính, bất động sản...
(VNF) - Vai trò của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là rất quan trọng trong việc phát triển các dự án hạ tầng, bởi các dự án này đều đòi hỏi vốn lớn và thời hạn thu hồi vốn rất dài, có thể lên đến 15-20 năm hoặc hơn, theo nhận định của ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings.
(VNF) - Những lợi ích mà AI mang lại cho các ngân hàng là điều không thể phủ nhận. Song, theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), để có thể hái được trái ngọt, các ngân hàng sẽ phải vượt qua nhiều thách thức và sẽ rất lãng phí nếu như đầu tư lớn cho hạ tầng, mô hình và nhân sự AI chỉ để ‘làm đẹp hồ sơ’.
(VNF) - Khoản đầu tư 100 tỷ USD của nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC sẽ thúc đẩy đáng kể ngành sản xuất chất bán dẫn của Mỹ nhưng nó sẽ định hình mối quan hệ Mỹ - Đài Loan như thế nào vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.
(VNF) - “Cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy được đánh giá sẽ tạo ra những thay đổi quan trọng trong cơ cấu thu – chi ngân sách, thúc đẩy sự chuyển động nhanh, mạnh, hiệu quả của bộ máy hành chính, mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế trong dài hạn.
(VNF) - Để tạo động lực cho tăng trưởng cao trong năm 2025, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, cho rằng bên cạnh việc thúc đẩy “cỗ xe tam mã” truyền thống là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư, Chính phủ còn phải phấn đấu những động lực khác, trụ cột khác của nền kinh tế.
(VNF) - Bước vào kỷ nguyên mới, nỗ lực tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và quyết tâm nâng cao chất lượng hàng hoá sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn trong ánh nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài.
(VNF) - 'Vua' hồ tiêu Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group nói rằng hiện nay, nông sản Việt không chỉ là hàng hóa, mà còn kể câu chuyện về con người, văn hóa và tinh thần bền bỉ của Việt Nam. Đây chính là sức mạnh giúp nông sản Việt ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới.
(VNF) - Kể từ khi chính thức ra mắt tại Việt Nam vào năm 2013, Starbucks đã không chỉ mang đến trải nghiệm cà phê cao cấp mà còn từng bước khẳng định vai trò là một thương hiệu toàn cầu với trách nhiệm xã hội sâu sắc. Trải qua một thập kỷ, Starbucks Vietnam đã chứng minh cam kết lâu dài với thị trường Việt Nam thông qua các hoạt động cộng đồng, chương trình bảo vệ môi trường, và chiến lược phát triển bền vững.
(VNF) - Năm 2024, ngành giao thông vận tải ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng, trong đó đáng chú ý là việc Quốc hội thông qua chủ đương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hoàn thành nhiều tuyến đường bộ cao tốc, Hà Nội và TP.HCM vận hành 2 tuyến Metro hiện đại
(VNF) - Trong năm 2024, ngành ngân hàng ghi nhận nhiều hoạt động nổi bật, trong đó phải kể đến những thay đổi trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá... cũng như những tín hiệu tích cực từ việc chuyển giao các ngân hàng 0 đồng.
(VEF) - Người dân còn hoài nghi, e ngại với bảo hiểm vì nhiều lý do khác nhau nhưng chắc chắn không “quay lưng”, bởi những lợi ích lâu dài mà bảo hiểm nhân thọ mang lại cho người tham gia nói riêng, cho an sinh xã hội nói chung